11/6/17

Tình yêu với bóng đá

Ai cũng có một đam mê, người thì đam mê bởi năng khiếu, người thì đam mê do họ thích từ cảm nhận đầu tiên. Thật sự bản thân tôi cũng chẳng có năng khiếu gì, vậy chỉ có thể là thích bóng đá mà thôi!
Bóng đá mang lại quá nhiều cảm xúc cho bản thân tôi từ khi tôi còn quá nhỏ. Đó là lần Tiger Cup năm 1998, nơi mà thời sự, báo chí tung hô lên Việt Nam và Thái Lan. Trận đó là trận đầu tiên tôi chú ý nhưng tôi không có xem trận đấu vì có biết luật đá bóng ra sao đâu! Chủ yếu ngồi xem những hành động cuồng nhiệt của mẹ, mẹ hét toáng lên với những bàn thắng của Việt Nam ở trận bán kết khi đó. Như vậy, mẹ tôi là người đã khiến tôi phải đam mê bóng đá cho tới tận bây giờ. Có khi tôi ở Sài Gòn, mẹ ở Nha Trang, mẹ vẫn gọi điện thoại và hỏi tôi:"Hôm nay con thấy Việt Nam đá thế nào?"

VN Tiger Cup 1998

Khi ấy, tôi chỉ biết là Việt Nam mà đưa bóng là vào lưới, ngắn gọn là sút “vào” thì vui lên và hét. Chiến thắng 3-0 giúp Việt Nam lọt vào chung kết gặp Singapore và gần như ai cũng nghĩ rằng Việt Nam sẽ vô địch. Lúc đó tôi cứ tưởng Việt Nam mạnh lắm, không ngán ai và cũng chẳng nghĩ rằng bóng đá Việt Nam lại thuộc vùng trũng của thế giới. Trận chung kết, tôi đợi một lần được hét cùng mẹ vậy mà chẳng được. Bỗng dung thủ môn Việt Nam lao ra rồi chẳng hiểu sao bóng lại nhảy vào lưới của chính Việt Nam, tôi thấy tất cả như chết lặng, rất lo sợ. Vậy là Việt Nam đã thua và người ghi bàn là Sasi Kumar với một bàn thắng bằng lưng. Khi mà tất cả đều nghĩ tới chiến thắng, tâm trạng đều háo hức một điều gì đó nhưng đột nhiên mất hết chỉ trong gang tấc, cảm giác quá nghẹn ngào. Và tôi nghĩ nếu như Việt Nam mà thắng khi đó chắc tôi không đam mê bóng đá đến vậy đâu.
Cứ nói đến bóng đá là tôi lại nghĩ đến Đội tuyển Việt Nam khi đó. Tôi không biết Đỗ Khải, Hoàng Bửu, Minh Chiến là ai mà tôi chỉ biết mỗi Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Việt Hoàng, Quang Hà, Phương Nam… Họ là những thần tượng của tôi thời đó, đặc biệt là Hồng Sơn. Tôi càng yêu thích Hồng Sơn hơn khi biết tin anh được bình chọn là cầu thủ hay nhất châu Á. Cứ năm này hết năm nọ tôi cứ mong chờ tới Sea Games và Tiger Cup, chỉ mong Việt Nam vô địch một lần thôi. Cái “mong” mà cứ phải tính bằng năm bằng tháng rồi tất cả để lại sự tiếc nuối. Sau Tiger Cup 98 là Sea Games 1999 tổ chức tại Brunei, tất nhiên là lúc đó tôi chẳng biết sự kiện thể thao gì. Ở vòng bảng tôi xem Việt Nam thắng Lào tới 9-0, rồi hòa cả Thái Lan 0-0 và gần như tôi cho rằng không có đối thủ cho Việt Nam. Khi ấy, tôi đang về quê ngoại, tôi nghe dân làng rủ nhau đi xem Việt Nam đá chung kết với Thái Lan, mẹ và tôi cùng nhau đi xem ở nhà dân có TV. Đó là lần đầu tiên tôi xem bóng đá mà nhiều người như vậy, cảm giác thật sung sướng khi được hò reo. Nhưng rồi Thái Lan đã thắng ở chung kết với những quả đại bác từ xa và Việt Nam lại thua. Tôi tự hỏi khi nào bóng đá mới làm cho mọi người vui trọn vẹn đây. Thôi thì lại phải “chờ” vậy!
Thời gian cứ trôi đi và sự kiện cứ nối tiếp sự kiện. Khi mà kiến thức bóng đá của tôi rõ hơn bao giờ hết thì lúc ấy tôi bắt đầu quan tâm đến những trận bóng đá khác. Có lẽ do Việt Nam mặc áo màu đỏ nên khi ấy tôi rất thích các đội bóng mặc áo màu đỏ. Và thế là trận đầu tiên tôi xem không có Việt Nam là trận có Manchester Utd (MU) đá. Trước đó tôi có nghe qua cái tên Beckham và khi xem mới biết Beckham là ai. Nói vậy chứ cũng không để ý cầu thủ này mà để ý toàn đội và tưởng tượng MU chính là Việt Nam của tôi. Thậm chí khi ấy tôi còn nhẫm lẫn giữa MU và Arsenal, bên nào cũng mặc áo đỏ, may là MU mặc quần đen và Arsenal mặc quần trắng khi đó. Vậy là tôi quyết định chọn MU là câu lạc bộ mà tôi yêu thích sau Việt Nam. Tiếp tục lại đến mùa World Cup, Euro, tôi cũng xem và chẳng thấy MU của tôi đâu cả. Nhưng tôi vẫn nhận ra nhưng gương mặt quen thuộc như Beckham, Rio hay là Scholes khi đó, và tôi phải chọn ra một đội để cổ vũ cho giải đấu. Và thế là đội tuyển Anh đã được tôi yêu thích, một phần cũng do cái tên của nó nữa. Ngoài ra khi đó tôi cũng nghe mọi người bàn tán về Brazil và cũng cảm thấy yêu mến đội bóng này. Cuối cùng tôi chọn ra những đội để tôi cổ vũ khi có giải đấu diễn ra: ĐTVN thì vẫn là nhất rồi, MU ở giải ngoại hạng và Cúp C1, Anh ở Euro và World Cup (cùng với Brazil). Nếu chẳng may bị loại sớm thì tôi vẫn tiếp tục xem giải đấu và quan điểm là cổ vũ đội bóng yếu hơn chứ không phải đội đá đẹp hơn. Điển hình là Hàn Quốc ở World Cup 2002 và Hi Lạp ở Euro 2004 chẳng hạn.
Tôi chưa thấy thứ gì mà điều khiển cảm xúc của tôi mãnh liệt như bóng đá. Khi đội thắng niềm vui như vỡ òa, đặc biệt là các trận đấu chung kết và vô địch. Cảm xúc vỡ òa ấy mãnh liệt nhất là ở AFF Cup 2008 (tiền thân là Tiger Cup) và UEFA CL 2008. Tôi không thể nhận ra một ĐTVN đá hay đến như vậy trước Singapore và thậm chí thắng cả Thái Lan ngay trên sân Rachamangala để rồi kết liễu đối thủ ở Mỹ Đình. Tôi cũng không thể tin rằng tại sao MU lại có thể chiến thắng trên chấm phạt đền khi mà Ronaldo thực hiện hỏng cú sút ấy? Và khi đội thua, tôi chỉ muốn òa khóc lên như một đứa trẻ. Chẳng hạn như trận vòng bảng Tiger Cup 2004, khi ấy Việt Nam rất mạnh, thắng cả Hàn Quốc trước đó, vậy mà hòa Singapore ngay trận ra quân dù cơ hội nhiều vô kể và thua Indonesia 3-0 ở trận quyết định và bị loại ngay vòng bảng với tư cách là đội chủ nhà. Tôi thậm chí còn không tin vào mặt mình và chỉ muốn đó là một giấc mơ mà thôi. Đến khi ngủ thậm chí tôi còn nằm mơ thấy Việt Nam thắng Indonesia nhưng khi tỉnh dậy thì sự thật vẫn là sự thật. Và ngay cả khi MU dẫn 3-0 trước Bayern ở lượt về tứ kết UEFA CL 2010 thì tôi vẫn không tin là MU bị loại. Lúc đó, tôi mới biết tôi yêu bóng đá như thế nào!
Bóng đá là môn thể thao và phải có người thẳng kẻ thua nhưng việc bạn hòa cùng cảm xúc với đội bóng mà mình yêu thích mới tạo nên vẻ đẹp của bóng đá của riêng bạn. Đôi khi chúng ta nghĩ vậy nhưng không phải mọi thứ đều hoàn hảo như ta nghĩ. Với tôi nỗi buồn trong bóng đá nhiều hơn niềm vui, có như vậy tôi mới cảm nhận niềm vui tột đỉnh là như thế nào.Tôi không cần đẹp mắt, kỹ thuật, thắng nhiều mà tôi yêu bóng đá theo cái cách của riêng tôi - đó là nó điều khiển được cảm xúc của tôi và bắt tôi phải “chờ đợi”, tất nhiên là cần phải có "niềm tin"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét