5/9/13

Câu chuyện Đại học

2h sáng, tự nhiên bật dậy sau giấc ngủ tương đối dài, còn mấy tiếng nữa là phải đi TSMT 2013, hôm nay là buổi trực cuối cùng kết thúc 2 đợt thi Đại học quan trọng của các sĩ tử, và nó khiến tôi nhớ lại 3 năm về trước… Tôi nên bắt đầu từ đâu nhỉ?
Với ai đó, việc chọn ngành nghề rất quan trọng, nó phụ thuộc vào khả năng và sự yêu thích của bản thân họ. Đối với tôi, tôi cũng có yêu thích, cũng có khả năng, nhưng tôi nghĩ cái mà tôi chọn sư phạm có lẽ phải thêm yếu tố duyên số, nó giống một câu chuyện tình cảm bất ngờ giữa tôi với nó.
Từ cấp 1, tôi xem chuyện đi học thêm rất quan trọng đối với tôi, nhờ nó mà tôi vừa chắc kiến thức, vừa không gây mất lòng giáo viên. Tôi nói hơi quá, nhưng đó là sự thật, tôi chẳng muốn giấu làm gì. 5 năm cấp 1 thì có tới 3 năm tôi đi học thêm, cơ bản là lúc đó tiền học phí bèo nhèo cũng chỉ cỡ mấy chục ngàn cho một tháng. Đến năm lớp 7 của cấp 2, tôi học Toán với người thầy ấy, lần đầu tiên tôi thấy được phong cách dạy của thầy độc đáo và có lẽ nó là bước ngoặt đầu tiên để hướng cho tôi theo con đường sư phạm. Tôi chưa thấy ai thực hiện chính sách “khôn ngoan” như thầy, học sinh muốn học thêm thầy thì phải làm giấy xin học thêm và phải có chữ ký của phụ huynh học sinh. Và thật sự lúc đó tôi cũng bất ngờ với cái giá học phí của thầy: 100k/ tháng… Từ mấy chục ngàn thôi mà giờ nó lên tới 100k rồi đó, quá sốc! Tôi lặng lẽ về hỏi ý kiến gia đình trong sự rụt rè của bản thân, tôi không nghĩ là gia đình sẽ cho tôi đi học. Nhưng gia đình vẫn động viên tôi đi học, vì cái chữ, vì tương lai của tôi, thì 100k không là điều gì quá cản trở với gia đình tôi. Rồi tôi đi học, cứ mỗi lần vào lớp là tôi ước nhẩm số tiền mà thầy thu được từ mỗi học sinh, một con số kinh khủng, tôi chưa bao giờ nghĩ tới, nó còn cao hơn lương tháng của ba và mẹ tôi cộng lại. Vậy là trong suy nghĩ tôi, sư phạm là nghề giàu nhất, nhẹ nhàng nhất đến độ mà giáo viên cấp 2 mà kiếm hơn 10 triệu/tháng là chuyện bình thường. Từ đó, tôi định hướng cho tôi hướng đi sư phạm, đặc biệt là sư phạm toán. Và cái cách tôi yêu thích sư phạm có lẽ cũng hơi xấu tính một chút là chỉ vì đi dạy thêm để có nhiều tiền.
Tôi ấp ủ nó cho đến tận lớp 11 của cấp 3… vẫn là sư phạm toán. Tôi cố gắng mục tiêu Đại học ngay từ lớp 10, mỗi lần giải đề toán mà gặp bài nào của Đại học sư phạm là tôi thẳng tay quyết tâm để giải bằng được. Tôi biết tôi không thông minh, nhanh nhẹn trong việc học bằng người ta, nhưng tôi nghĩ sự cần cù và sự điều tiết nhịp độ học là điều cần thiết để bù vào những cái mà mình chưa có. Bạn không thể làm việc cần cù mãi mà không biết cách làm sao để nó hay hơn thì kết quả của nó chỉ là con số 0, và bạn như người thất bại… Nó giống như một người làm việc mà không có mục tiêu rõ ràng và hướng đi thì quá mập mờ.
Cứ tưởng tôi sẽ yêu thích sư phạm và chọn nó làm nghề nghiệp chính sau này. Nhưng sức hút từ những cuộc thi Robocon khiến tôi suy nghĩ lại… Tôi ước rằng một ngày nào đó, tôi được đứng vào hàng ngũ của Đại học Bách khoa chinh chiến với các trường khác. Tôi rất rất thích những sản phẩm công nghệ cao của các anh chị gửi đến chương trình. Rồi hai chữ “kĩ sư” cứ ám ảnh tôi từ đó, tôi làm chệch hướng đi của riêng mình, một kĩ sư trong tương lai. Ba tôi là một kĩ sư trong ngành Địa chất, tôi cũng từng thấm hiểu những gì mà ba tôi trải qua. Ba tôi có nói rằng, một kĩ sư tài giỏi là phải yêu nghề của họ chứ không phải yêu tiền chỉ vì lòng tham của con người. Khi đó họ mới tìm được giá trị hạnh phúc nghề nghiệp của họ. Tôi nhớ có lần tôi đi xe, ngồi chung với một anh chàng Bách khoa, ngồi nói chuyện, anh ấy rất cởi mở và tâm sự với tôi những gì hay nhất của dân Bách khoa. Nhưng có một câu chuyện khá buồn khi anh ấy nói về ngành xây dựng của Bách khoa: Chỉ cần làm đường giao thông, bớt 1 mm nhựa đường là có thể kiếm thêm một chút thu nhập cho bản thân. Lúc đó tôi nghĩ, bớt 1 mm thì cũng có đáng là bao nhiêu, cũng chẳng quá ảnh hưởng lắm đến chất lượng của đường, nhưng nó lại khiến tôi suy nghĩ về cái gọi là đạo đức nghề nghiệp hơn là những đồng tiền thu được từ những thứ đó. Ấy thế mà không hiểu tại sao hồi cấp 3, cứ mỗi lần đến lớp học thêm Toán, Lý, Hóa là tôi lại lấy máy tính ra đếm xem các thầy thu nhập như thế nào… Quay lại vấn đề trước đó, tôi đang loay hoay không biết nên chọn sư phạm hay bách khoa? Trường nào cũng có sự hấp dẫn riêng của nó. Đến năm 11, tôi có cảm giác tôi yêu thích lập trình hơn và nó khiến tôi ưu tiên bách khoa hơn là sư phạm… Ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa. Vậy là những gì đầu tư cho ước mơ vào sư phạm bị thay đổi một cách chóng mặt.
Vào năm 12, giai đoạn quyết định của sự chọn lựa, tôi buộc phải quyết đoán hơn. Với tôi, khả năng thì tôi tự tin là mình có thể đậu cả 2 trường đó, yêu thích thì bên nào cũng có cái hay, và yếu tố còn lại thì tôi lại phụ thuộc gia đình. Mẹ tôi lại chẳng thích 2 trường đó, mẹ làm trong quân đội, bắt tôi phải theo một ngành nào đó của quân đội. Tôi thì lại chẳng thích quân đội một chút nào, từ nhỏ đã được chiều chuộng quen, giờ vào khuôn khổ, giờ giấc, tôi chịu không nổi. Nhưng tôi là đứa nghe gia đình nhiều hơn, vậy là tôi cố gắng đăng kí một trường quân đội để chiều lòng gia đình. Và tôi chọn trường cao điểm và khó vào nhất của quân đội là Học viện Quân Y. Tôi chọn vì tôi muốn tôi rớt để được học ngành tôi yêu thích hơn – một lý do hơi khác thường một chút. Ba tôi thì chọn trường nào cũng được, nhưng ba tôi vẫn ao ước tôi được mặc quần áo của bác sĩ hơn là những ngành khác, nên đặt rất nhiều kì vọng vào trường này, nếu nói hơi quá, ba tôi muốn tôi vào Quân Y hơn cả mẹ tôi, trong khi tôi thì cứ cười vì tôi đoán là tôi sẽ rớt chắc. Mẹ tôi hướng cho tôi vào sư phạm hơn là bách khoa vì sư phạm miễn học phí, cách đào tạo con người tốt hơn, vẫn có thể kiếm thêm thu nhập nhờ dạy thêm. Do đó, tôi quyết định nộp hồ sơ cho 2 trường Đại học Sư phạm Tp. HCM và Học viện Quân Y.
Vấn đề lại tiếp tục nảy sinh vào những giây phút cận kề thi Đại học. Tôi bắt đầu cảm thấy áp lực như đè nặng, tôi mất đi sự tự tin vốn có… Một phần là vì khối B, tôi đoán chắc tôi sẽ rớt, và nghĩ rằng, nếu rớt khối A, tôi sẽ đi đâu? Khái niệm ôn thi lại đối với tôi nó hơi xa vời, tốn tiền ba mẹ, chưa chắc là tôi đã thi lại điểm cao hơn điểm lần đầu thi bởi nhiều cái chi phối trong 1 năm. Khi đó, với tôi, 19đ không phải thật sự quá khó, tôi đã test rất nhiều đề Đại học, và chưa lần nào dưới 20đ, nhưng tôi vẫn xuất hiện chữ “nếu như”, “chẳng may” trong đầu. Vậy là tôi quyết định giảm bớt điểm xuống, vẫn là sư phạm, nhưng lần này là sư phạm vật lý. Thật sự, khi vào sư phạm, tôi không biết tôi giỏi môn nào trong 3 môn: Toán, Lý và Hóa. Tôi cũng chẳng biết tôi yêu thích môn nào, mà tôi chỉ quan tâm điểm thi Đại học và sau này ra trường đi dạy thêm kiếm thêm thu nhập. Do đó, khi mức đầu vào chỉ còn 17đ thì tôi tự tin hẳn lên, và có thể xem như đặt một chân vào cánh cổng Đại học, quan trọng là tôi thể hiện nó như thế nào ở kì thi sắp tới.
Bước vào kì thi, tôi khá tự tin với việc thi khối A, mục tiêu của tôi tới 24đ lận. Nhưng sau khi kết thúc môn Lý buổi chiều hôm đó, tôi bắt đầu e ngại, tôi không sợ rớt mà sợ không đạt nổi số điểm 24 kia. Đề Lý gây cho tôi rất nhiều hoang mang, ảnh hưởng tâm lý cho môn thi cuối cùng là môn Hóa. Môn Toán thì tôi cũng không thật sự hài lòng cho lắm, những sai lầm ngớ ngẩn khiến tôi phải trả giá. Căn bậc bốn của 144 là 2 căn 3, ấy vậy mà tôi cầm cái máy tính lên bấm, thấy nó không hiện 2 căn 3 cho mình mà là một chuỗi thập phân vô hạn, tôi cứ nghĩ tôi làm sai ở đâu đó, đề đại học rất ít khi cho số xấu. Loay hoay hoài không thấy, tôi từ bỏ luôn câu đó. Khi biết đáp án của bộ có căn 3, tôi hơi lấy làm tiếc về chính bản thân, nếu như tôi bình tĩnh hơn để tính bằng tay có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Nhưng cái gì đã qua thì nên cho qua luôn để hướng tới cái mới tốt đẹp hơn. Và kết thúc đợt thi khối A, tôi đạt được số điểm 21,5đ đã làm tròn… số điểm cho tôi đậu nhưng không làm tôi hài lòng một chút nào. Nhìn vào điểm số của 3 môn Toán, Lý và Hóa lần lượt là: 7; 6,75; 7,5… Thật sự là tôi không biết tôi mạnh ở môn nào, ngay cả điểm Lý là điểm thấp nhất của tôi trong 3 môn.
Tiếp theo, tôi bước vào kì thi khối B… Việc chắc chân ở khối A khiến khối B đối với tôi là thi cho vui, để gia đình biết là tôi đã đi thi. Mục tiêu của tôi là thể hiện hết mình ở 2 môn Toán và Hóa, riêng môn Sinh, vào đánh bậy rồi ngủ sớm, ra phòng thi sớm. Và kết quả tương đối khiến tôi hài lòng với điểm số 19đ, cộng 2đ ưu tiên nữa là tôi có trong tay 22đ. Với số điểm đó, tôi nghĩ rằng tôi sẽ rớt. Lúc đó, tôi bỏ luôn kì thi Cao đẳng vì tôi có thể chắc chắn là tôi sẽ được học Đại học.
Vài tuần sau, khi biết kết quả Đại học, lại một lần nữa, tôi bất ngờ với kết quả mình đạt được là đậu cả 2 khối. Tôi không biết tôi nên vui hay nên buồn nữa, chính xác hơn là tôi đang bấn loạn. Tôi không nghĩ Học viện Quân Y lấy điểm thấp như vậy ở năm đó. Vậy là trong đầu tôi có sự đấu tranh dữ dội của 2 trường… Lúc này tôi phải quyết đoán hơn, một là trở thành giáo viên, hai là trở thành bác sĩ quân đội… Tôi tham khảo ý kiến bạn bè rất nhiều và đa số ai cũng chọn bác sĩ… Nhưng thật sự là tôi không thích môn Sinh cho lắm, tôi đam mê bên khoa học tự nhiên hơn. Ngoài đấu tranh trong suy nghĩ, tôi phải đấu tranh với cả dòng họ bên nội và ngoại ở ngoài Bắc, nếu chọn bác sĩ, tôi sẽ được ra Hà Nội học và sẽ về quê thường xuyên với họ hàng ở gần đó… Nhưng gay gắt nhất, có lẽ là với ba tôi, từ nhỏ đến lớn, ba luôn cho tôi mọi quyết định, nhưng lần này, không hiểu sao ba tôi muốn hướng tôi vào quân đội hơn, tôi nghĩ có lẽ là do ba tôi muốn tôi trở thành một bác sĩ có thể chữa bệnh cho ba và mẹ (mẹ tôi đang mang bệnh khi đó), và thứ hai là vào trong đó, tôi được nuôi ăn ở từ A đến Z, ba mẹ tôi không lo nghĩ gì nhiều. Có rất nhiều ý kiến tác động vào tôi, bởi chỉ cần chọn lựa sai lầm là khiến tôi sẽ chán nản và kéo theo cả một hệ quả của nó. Và cuối cùng, chốt lại, tôi vẫn chọn Sư phạm Vật lý để theo học, bất chấp những lời dèm pha của nhiều người.
Tôi ghét nhất những người hay nói xấu sau lưng tôi. Tôi biết việc tôi chọn Sư phạm sẽ khiến nhiều người nghĩ tôi là một đứa dại dột gì đó, sẽ có những người nói tôi thế này thế nọ… Đúng là như vậy, nhưng đó là quyết định của riêng tôi, và tôi là con của ba mẹ tôi, nên họ có nói thì mặc kệ, tôi cũng chẳng liên quan gì đến họ. Họ cứ nghĩ là ngành ngon, ngành hot là tốt nhưng với tôi, cực kì kị dơ những từ kiểu đó. Bạn bè thì cứ lao đầu vào những ngành kiểu như thế, nhưng mấy ai cảm thấy vui khi họ học những ngành nghề đó. Bỏ ngoài tai những ý kiến xung quanh và sự bực tức của gia đình, tôi xin rút lại cái giấy báo đậu Học viện Quân Y, xem như đó là một thành tích, tôi lấy cái giấy báo đậu ĐHSP để tiếp tục cuộc hành trình dài trên đất Sài Gòn.
Vào Đại học, có quá nhiều sự bỡ ngỡ với tôi, từ cách sinh hoạt, ăn uống và cách học hành… Tôi bắt đầu cuộc sống độc lập, tự chủ hơn. Ngay từ học kì đầu, tôi chưa quen với cách học ĐH nên lúc đó, với tôi, qua môn, khá đã là quá đủ. Kết thúc học kì 1, tôi thấy điểm số của mình chỉ đứng ở đâu đó trong lớp mà tôi tìm không ra, đôi lúc tôi chán nản vô cùng, tại sao đầu vào cao mà giờ mình đang trôi dạt ở đâu không biết. Tôi lại xuất hiện suy nghĩ rằng tôi không hợp với Sư phạm lý và tôi định thi lại ĐH năm đó hoặc học một lúc 2 trường ĐH nào đó. Tôi có cảm giác e ngại, rụt rè khi mình không phải đứa chuyên Lý hay yêu thích Lý. Nhìn các bạn học trường chuyên, có thể người ta không cần giỏi đều nhưng họ luôn có một cái nền vững chắc cho các kiến thức đại cương, khiến mình càng mất tự tin hơn. Tôi đành nhắm mắt và suy nghĩ lại cho thật kĩ… Họ sẽ là động lực cho mình phát triển hơn, có thể thua kém ở điểm này nhưng không thể để thua những cái khác. Cố gắng và cố gắng… Và học kì 2, lần đầu tiên tôi may mắn đạt mốc điểm giỏi, tôi không tin vào mắt mình, dù nó chỉ là vừa đủ điểm một chút 3,23/4. Nó có thể xem là cú hích để tôi tự tin hơn, mặc dù học kì 3, tôi đạt điểm số không cao nhưng qua học kì 4 và 5, tôi như “lên đồng”. Thành tích hiện tại đang khiến tôi hơi bất ngờ về chính khả năng của mình: “Không có gì là không thể”… Câu nói này tôi thường áp dụng trong bóng đá, nhưng giờ thì nó đã ăn sâu trong cuộc sống của tôi. Từ việc khó tiếp thu vật lý, giờ thì tôi đã có những cái nền cơ bản nhất để tiếp thu những kiến thức vật lý hiện đại. Từ một đứa không thích vật lý, qua quá trình học, tôi dần cảm nhận sự yêu thích đối với nó. Một điều khó có thể tin được cho đến giờ phút này. Mặc dù tôi không thích đi dạy cho lắm, nhưng nếu bất đắc dĩ phải đi dạy thì tôi cũng phải đi dạy… Vấn đề dạy thêm với tôi, giờ không còn quá quan trọng, tôi chỉ muốn được đi sâu hơn về ngành tôi học và theo đuổi ước mơ tôi đang ngầm dự tính trong đầu (chỉ có người ấy mới biết).
Qua bài viết này, tôi chẳng muốn PR bản thân làm gì, vì những gì tôi có được thì quá tầm thường so với những người khác giỏi hơn tôi. Nhưng tôi muốn nói rằng, ý chí con người là vô tận, hãy làm những gì mình thích. Có thể bạn không giỏi bằng người ta nhưng nếu cố gắng, bạn sẽ rút ngắn lại khoảng cách với họ. Hãy tự tin về chính bản thân. Để bước vào cổng đại học không hề dễ thì hãy cố gắng xem như đó là một vận may với bạn, tại sao vận may đến, bạn không nắm bắt lấy nó mà để nó trôi đi một cách lãng phí như vậy. Khi đã lao đầu vào, có thể đó là sự sai lầm, nhưng nếu có ý chí và quyết tâm thì hãy biến nó thành niềm đam mê của chính bản thân mình. Và điều cuối cùng tôi muốn nói là “đừng chạy theo đồng tiền”. Khi ai đó đang so sánh sự giàu nghèo với bạn, chưa chắc những đồng tiền họ kiếm là xứng đáng hay nói cách khác đi là chưa chắc họ đã yêu giá trị nghề nghiệp của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét