13/8/15

Ngược chiều về CSGT

Bài viết này tôi không muốn nói xấu ai nhưng thật sự là nó đã in hằn lên đầu tôi những suy nghĩ tiêu cực. Đây là một câu chuyện có thật…
Tôi tự hỏi tại sao người ta lại gọi chú bộ đội và “thằng” công an?
Khi còn bé, tôi xem các phim về cảnh sát hình sự và thấy hình ảnh người công an thật là đáng trân trọng. Khi tôi lớn lên, tôi đã biết cảm nhận mùi đời và dường như những hình ảnh tươi đẹp ấy dường như có đan xen những nỗi bức xúc.
Vâng, tôi không nói xấu ngành công an, tôi nghĩ rằng họ vẫn là những biểu tượng của nhân dân trong cuộc sống. Hãy nhìn lại những vụ án kinh điển ngày nay, nếu không có công an cảnh sát thì chắc chúng  ta sẽ rơi vào những tình cảnh hoang mang lo sợ về những tội ác tiếp tục lấn tới. Khi mà con người đang dần mất đi “tính con người” thì nhiệm vụ của cảnh sát công an càng nặng nề và họ đã giữ được sự bình yên cho nhân dân. Hãy nhớ lại những đám cháy kinh hoàng, nếu không có sự cấp cứu kịp thời của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy thì không biết những người vô tội phải hứng chịu hậu quả ra sao. Nhưng nếu như cuộc sống này mà có những con người như vậy thì có lẽ đẹp biết bao.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một nghề nghiệp mà đã lấy đi hình tượng đẹp đẽ ấy, chắc hẳn ai cũng biết! Ngành mà người dân thậm chí đặt cho họ những cái tên không hay một chút nào. Tôi không muốn nói các từ ngữ ấy vì ai cũng có thể search trên google. Cái gì cũng có hai mặt của nó và hiển nhiên ngành CAGT vẫn có những đóng góp tích cực trong cuộc sống hằng ngày. 
Ở quê tôi, CSGT khá hiếm gần như chỉ xuất hiện ở các quốc lộ và nếu có bắt thì họ bắt những lỗi do yếu tố chủ quan của người dân. Ở nước ngoài, theo tôi được biết thì CSGT họ đã bắt là gần như bắt đúng và không bao giờ người dân cãi và tất nhiên sẽ không có chuyện “ấy”. Tôi sống ở Sài Gòn cũng đã hơn 5 năm và thật khó để bạn không phải gặp CSGT một lần. Tôi thì cũng vài  lần đối mặt CSGT và họ hầu như bắt đúng. Nếu bắt đúng thì tôi không sao, nộp phạt tại chỗ hoặc bị giam bằng, giam xe. Nhưng không phải lúc nào họ cũng bắt mà tôi phải phục, có những lần giằng co rồi cuối cùng họ thả. Nhưng cho dù có giằng co kiểu gì thì cuối cùng cũng phải tự nhận lỗi là “mình sai” chứ CSGT “không bao giờ  sai”. Hình như “cái tôi” của họ quá cao và chưa bao giờ biết xin lỗi nhân dân hoặc nếu có thì do “bắt nhầm” cấp trên. Tôi vốn dĩ là đứa “có học” và “có ý thức” nên tôi “không” cãi mà chỉ “tranh luận” với công an, sai thì nhận, còn không sai thì phải bắt chứng minh rõ ràng.
Câu chuyện xuất phát từ buổi  trưa tháng 7 trước kì thi đại học 1 ngày tại ngã ba Hồng Bàng giao Nguyễn Kim. Tôi là một giáo viên thường đi dạy kèm để kiếm chút thu nhập cho bản thân. Trưa chủ nhật hôm ấy tôi đi dạy kèm bữa cuối vì bữa sau là học trò thi rồi. Tôi đi từ quận 5 ra Parkson trên đường Nguyễn Kim để dạy. Tôi vốn dĩ là đứa đi chậm, đi chắc tuân thủ luật lệ an toàn giao thông. Trước khi tôi đi dạy, tôi thường hay ghé ra tiệm photocopy để photo tài liệu cho học sinh. Khu vực đó chỉ có chỗ khu vực gần Đại học Y dược Tp. HCM là nhiều quán photocopy. Tôi thường đi thẳng Hồng Bàng và đến ngã ba rẽ trái để vào tiệm photocopy bên cạnh trường. Trường Đại học Y dược nằm ngay ngã ba trên đường Hồng Bàng và tiệm photocopy lại bên cạnh trường nên tôi hay ghé tiệm này cho gần. Cổng trường Đại học Y dược đối diện đường Nguyễn Kim và chỗ này thường là chỗ xe qua đường bên kia. Sinh viên của trường ra vào trường thường xuyên và qua đường rất nhiều. Hôm ấy tôi photo xong thì tôi chạy xe từ quán photocopy ra cổng  trường rồi qua đường cùng mọi người cho an toàn vì tôi khá sợ khi qua đường một mình. Khi tôi qua thì CSGT đứng ngay góc ngã ba Nguyễn Kim chỗ gần đối diện Parkson gọi tôi vào làm việc. Hai người làm việc khi ấy tên là THẮNG và một người nữa hình như tên Bình nhưng người làm việc chính là anh Thắng, cả hai ở đội CSGT Chợ Lớn trên đường Ngô Quyền. 



Anh Thắng nói tôi đã đi ngược chiều và yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ xe. Lúc ấy tôi quá bất ngờ vì lỗi vi phạm vì tôi chỉ xuất phát ở tiệm photocopy bên cạnh trường để qua đường về Nguyễn Kim. Tôi đã cố giải thích với anh ấy là tôi xuất phát từ bên kia qua, không có “cố ý” đi ngược chiều mà chỉ là đi qua đường. Tôi nói rất nhiều để cố gắng giải thích nhưng anh ấy cứ khăng khăng quanh quẩn mãi một việc đó là tôi đi ngược chiều. Anh Thắng lấy bằng lái xe và nhét vào túi quần một cách rất không lịch sự chút nào. Tôi hỏi anh ấy: “Tại sao sinh viên trường qua đường từ cổng bình thường mà tôi chỉ đi từ bên cạnh trường qua đường lại bắt lỗi ngược chiều trong khi khoảng cách đúng theo nghĩa ngược chiều chỉ từ 1 đến 2 mét”, rồi anh ấy trả lời: “1 mét cũng là vi phạm ngược chiều”. Tôi không  biết người công an có nhất thiết phải làm khó nhân dân như vậy không nữa, nói thẳng ra là giống như một trò chơi của “con nít”, chỉ biết nghĩ cho “bản thân”, chỉ có con nít mới hay chơi mấy trò kiểu ai đụng chạm vào người thì bị đập thôi, nếu nói theo kiểu xa hơn con nít thì có lẽ giống “mèo rình chuột”. Tôi không hiểu nếu tôi biết nhà anh ấy, mỗi khi anh ấy dắt xe máy ra ngoài cổng mà anh ấy dắt xe qua bên “tay trái” (ngược chiều) thì tôi có được thu bằng lái xe của anh ấy không nữa? Chắc là không đâu, vì tôi đâu có “quyền”. Tôi thì cứ cố giải thích trong khi anh ấy cứ lấy biên bản ra viết, nhìn thái độ ấy nếu là một người hung hăng thì không biết anh ấy sẽ ra sao nữa. Tôi lại tiếp tục cố gắng giải thích với đội trưởng Bình thì vẫn là một từ “đi ngược chiều”. Do tôi đang rất lo cho học trò của  tôi nên tôi mong muốn  giải quyết càng sớm càng tốt để tôi còn đi dạy. Lúc ấy tôi mất đi quá nhiều sự bình tĩnh, biết tôi nôn nóng nên anh Thắng cứ gạ gạ để tôi kí vào biên bản cho xong chuyện. Anh ấy nói biên bản đã lập rồi, không kí cũng bị thu bằng lái, đã vậy khi tôi đọc biên bản thì anh ấy ghi một cách rất sơ sài, “chữ xấu”. Đã vậy mục của người vi phạm, anh Thắng cũng tự  ghi luôn: “tôi chấp nhận…”, rất là nực cười, lẽ ra chỗ đó phải đề người vi phạm tự thấy bản thân sai và tự viết vào. Ngay cả mục lỗi vi phạm, anh ấy ghi rất nặng nề: “Đi ngược chiều trên đường một chiều…”, tôi có bảo anh ấy ghi rõ lúc xuất phát và đoạn đi ngược chiều thì anh ấy bảo tôi là “nhiều chuyện”. Thấy tôi cứ mực mực không kí và cản trở công việc, anh Thắng thấy tôi hiền “dụ dỗ”: “Kí đi rồi chiều lên Ngô Quyền, tôi nói đỡ giúp cho vì biên bản đã lập rồi. Ai bảo lúc đầu cứ hung hăng cãi tới cùng”. Anh ta bắt đầu nói ngon ngọt để tôi kí, nhận lỗi sai thuộc về mình và tôi nếu có thắc mắc thì lên Ngô Quyền xem lại ghi hình. Tôi cũng muốn xem lại ghi hình để nói với các cấp trên chứng minh mình không vi phạm. Do là một đứa dễ nghe với lại đang gấp gáp lo cho học sinh hơn nên đành kí gấp và hi vọng chiều lên trụ sở gặp được anh ấy. Nhưng tôi cũng có một linh cảm là đó chỉ là một lời “nói dối”. Và đúng là không phải “công an” nào cũng được lòng dân cả. Anh ấy hẹn tôi 4h chiều và tôi dạy xong ngay lập tức lên trụ sở lúc 3h45, tôi đợi mãi mà chẳng thấy anh ấy, tôi hỏi trực ban để tìm anh ấy thì trực ban nói anh ấy về lâu rồi. Tôi hoảng hốt khi biết mình bị dụ dỗ và tôi vào trong gặp các công an làm văn phòng cho tôi xem hình nhưng họ trả lời quá phũ phàng: “Hình đâu cho anh xem, đã kí rồi thì đúng ngày mà nộp phạt”. Tôi ức chế không chịu được và vào hỏi trực ban thì anh ấy nói là do cách ăn nói của tôi nên mới bị vậy.
Sau hôm ấy, tôi ăn không ngon, ngủ không yên trong ngày vì quá bức xúc, bị dụ dỗ một cách trắng trợn. Thà tôi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn tuyến, hay chạy quá tốc độ rồi bị công an bắt thì tôi cam chịu, đằng này một lỗi hoàn toàn không có gì gọi là vi phạm quá đáng thì lại bị bắt rồi mất tiền oan lẫn thời gian. Đặc biệt hơn là hình ảnh người công an đã xấu dần trong mắt tôi. Chắc chắn câu chuyện này tôi sẽ ghi nhớ và kể lại cho học sinh, tôi kể để chúng tự nhận xét và cũng mong muốn rằng những học sinh vào công an hãy vì nhân dân mà phục vụ chứ đừng nghĩ về lợi ích của bản thân. Có sai thì nhận sai, cuộc sống này không ai hơn ai, đừng cậy chức cao quyền lớn để bắt nạt kẻ dưới. 
Qua câu chuyện này, tôi không có ý xúc phạm ngành CSGT vì nếu không có họ thì cuộc sống còn tệ hơn thế. Nhưng hãy nhìn xem, vẫn còn đó những vụ đua xe, phóng nhanh, vượt ẩu, vẫn còn đó những hành vi thiếu ý thức thật sự, hãy còn đó những tình trạng kẹt xe hay là tình trạng “bấm còi” vô ý thức, thay vì “rình con mồi” những lỗi chẳng ra gì cả thì hay đi tìm những nơi mà cần CSGT hơn bao giờ hết. Hãy hạ thấp bản thân xuống bớt để công an luôn là hình ảnh đẹp trong “trái tim” mỗi công dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét